Tìm kiếm

Tin tức

Thứ Sáu, 04/08/2017

Các trường đại học trước thời đại công nghiệp 4.0

Việt Nam đang cùng các nước trong khu vực và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0). Việc phân tích, đánh giá để xây dựng định hướng chiến lược và giải pháp phù hợp trong phát triển nghiên cứu gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.


Cán bộ thực hành nghiên cứu ở Viện tiên tiến Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

CN 4.0 là cơ hội lớn để các trường đại học (ĐH) tiếp cận nhanh với những tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ (KHCN), phát huy vai trò trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các kết quả nghiên cứu. CN 4.0 cũng tạo nên sự cạnh tranh toàn cầu trong hệ thống giáo dục đại học thế giới; đặt ra thách thức lớn đối với vai trò của các trường ĐH trước sự gia tăng đầu tư gắn với những yêu cầu khắt khe hơn của các doanh nghiệp cho đào tạo và nghiên cứu công nghệ cao. Các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu sẽ phải thay đổi theo hướng liên ngành, tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nền tảng cũng như công nghệ lõi. Nội dung chương trình đào tạo phải phát triển theo định hướng kiến thức cơ bản ngành rộng, môn học tích hợp; đề cao năng lực sáng tạo và năng lực thích ứng của người học. Phương thức đào tạo thay đổi theo hướng lấy việc học (thay vì việc dạy) làm trọng tâm; cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo. Nghiên cứu phải gắn chặt với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu của các trường đại học khối kỹ thuật và công nghệ những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH; cung cấp và phát triển đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong các ngành và lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đào tạo trong nước đã có thể làm chủ công nghệ, thực hiện nhiều công trình kỹ thuật lớn, phức tạp. Các kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ của các đề tài nghiên cứu khoa học của các trường trong giai đoạn qua đã đóng góp đáng kể phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển lĩnh vực KHCN. Số lượng các công trình khoa học được công bố quốc tế tăng khá trong những năm qua. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tiễn phát triển sản phẩm công nghệ quốc gia, sản phẩm công nghệ cao; thúc đẩy phát triển KHCN vùng và tiềm lực KHCN của quốc gia.

Mặc dù vậy, hiện nay, hoạt động nghiên cứu ở các trường ĐH trong nước còn yếu kém so với các trường trong khu vực và thế giới; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức thời đại CN 4.0. Những nguyên nhân trực tiếp nằm ở cả ba yếu tố: Tiềm lực, nguồn lực và động lực cho nghiên cứu. Tiềm lực nghiên cứu trong các trường ĐH, cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất vừa yếu, vừa thiếu, chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Phần lớn các trường không xây dựng những định hướng chung với các chương trình, dự án dài hơi. Các nhóm nghiên cứu thực hiện các đề tài khá độc lập, thiếu tính kế thừa, thiếu sự hợp tác, liên kết trong và ngoài trường. Nguồn kinh phí cho nghiên cứu còn rất hạn chế. Tổng mức kinh phí thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu KHCN cho tất cả các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đạt bình quân 400 tỷ đồng/năm và gần như không thay đổi từ năm 2011 đến 2016; một con số rất thấp so với tổng ngân sách Nhà nước dành cho KHCN; mức bình quân trên một giảng viên thấp hơn từ 10 đến 30 lần mức bình quân của các trường ĐH trong khu vực Đông - Nam Á. Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học trong nước tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, trường ĐH cũng như giảng viên thiếu những cơ chế tạo động lực thật sự để thúc đẩy phát triển nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân sâu xa nằm ở một số yếu tố căn bản như: Chính sách phân bổ và quản lý kinh phí KHCN của Nhà nước chưa phát huy được nguồn nhân lực nghiên cứu là đội ngũ giảng viên và nghiên cứu sinh tại các trường ĐH; chưa tập trung phát huy được thế mạnh của các trường ĐH là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; không tạo cơ chế tự chủ cho các trường về mặt kinh phí để tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Các doanh nghiệp ít có nhu cầu hợp tác nghiên cứu với các trường ĐH; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu tại các trường ĐH. Các trường ĐH cũng chưa có chiến lược, chính sách phát triển nghiên cứu bắt kịp xu thế phát triển…

Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, thứ nhất, Nhà nước cần điều chỉnh chiến lược, chính sách phát triển KHCN theo định hướng: Tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong các trường ĐH theo hình thức cấp kinh phí tài trợ theo gói hoặc theo chương trình nghiên cứu, đặc biệt đối với một số trường ĐH trọng điểm; lựa chọn, ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nền tảng, những công nghệ lõi của CN 4.0, gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp; đổi mới cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu bằng phương thức cấp kinh phí đối ứng cho các trường ĐH khi có đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý sử dụng kinh phí nghiên cứu theo hướng tăng quyền tự chủ các trường.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần xây dựng chiến lược phát triển hệ thống giáo dục ĐH cho thời đại công nghiệp 4.0; chú trọng những định hướng và giải pháp phát triển nghiên cứu trong các trường ĐH; thí điểm cấp kinh phí nghiên cứu cho các trường theo gói dựa trên năng lực và cam kết đầu ra; giao nhiệm vụ nghiên cứu gắn liền với nhiệm vụ đào tạo sau ĐH cho các trường tự chủ kinh phí; giao cho các trường có năng lực phối hợp xây dựng và đề xuất một số chương trình nghiên cứu liên ngành nhằm mục tiêu phát triển nghiên cứu gắn kết với đào tạo sau ĐH, đào tạo chất lượng cao, đặc biệt trong những lĩnh vực cốt lõi của CN 4.0.

Thứ ba, các trường ĐH cần xây dựng chiến lược phát triển nghiên cứu phù hợp với đặc điểm của mỗi trường trong thời đại CN 4.0; xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển; đổi mới mô hình tổ chức các bộ môn thành các phòng nghiên cứu; hình thành và phát triển các tổ hợp nhóm nghiên cứu mạnh; thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, đẩy mạnh xúc tiến hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp; xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, đánh giá năng lực nghiên cứu đi kèm với các chính sách khuyến khích đãi ngộ phù hợp. Các trường cũng cần mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo sau ĐH trong các lĩnh vực ưu tiên; gắn chặt đào tạo với nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ.
 

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội

[Trờ về]

Tin khác
Việt Nam-Israel hợp tác toàn diện về khoa học công nghệ (04/08)
Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT kết nối nâng kết quả nghiên cứu trong các trường đại học (04/08)
Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi): Đáp ứng nhiều yêu cầu mới từ thực tiễn (28/06)
Việt Nam - Nhật Bản: Nhiều hoạt động ký kết, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực KH&CN (27/06)
Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. (27/06)
Xây dựng Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia (26/06)
Tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp (15/06)
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động chuyển giao công nghệ (15/06)
Định hướng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Giai đoạn 2016 - 2020 TP. Hồ Chí Minh (19/05)
Công nghệ thu tinh dầu sả lần đầu ở Việt Nam của nhà khoa học 65 tuổi (19/05)

Đối Tác