Tìm kiếm

Tin tức

Thứ Năm, 15/06/2017

Tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Từ trước tới nay, nông nghiệp là lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ tại những quốc gia đang phát triển. Hầu như hoạt động sản xuất nông nghiệp chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nông dân về đặc tính cây trồng, thời tiết… Do đó năng suất và hiệu suất canh tác gần như mang tính may rủi, phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số thì việc bảo đảm lương thực đang là thách thức mang tính toàn cầu. Ngành nông nghiệp phải tìm kiếm những phương thức tốt hơn nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng khoa học và công nghệ vào mọi hoạt động.

Nhiều nước trên thế giới đã đưa ứng dụng IoT vào máy móc, giúp quá trình gieo giống, chăm sóc, quy hoạch… có những kết quả rõ rệt, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả. Các nhà khoa học đã chứng minh thông qua việc đưa IoT vào canh tác nông nghiệp, những dữ liệu thu thập liên tục từ hệ thống cảm biến đã giúp hệ thống phân tích dữ liệu, đưa ra các phương án để chăm sóc cây trồng. Nhờ đó cây trồng tăng trưởng tốt hơn, giảm lượng hóa chất tồn dư trong nông sản, giảm lượng xăng vận hành máy móc…

Tất cả thông tin của dữ liệu được cập nhật liên tục thông qua các dạng kết nối như 2G, 3G, kết nối vệ tinh,… giúp người nông dân chỉ việc tổng hợp dữ liệu và đưa ra các phương án cho sản xuất. Ứng dụng IoT vào nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả bất ngờ, khiến lĩnh vực này đang được nhiều quỹ đầu tư quan tâm và được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn để gọi vốn.Hiện nay, IoT trong nông nghiệp Việt Nam vẫn chỉ có một số ý tưởng xoay quanh việc sử dụng cảm biến, lập trình tưới, đóng cắt nắng, trồng thủy canh tự động trong nhà… chỉ áp dụng cho doanh nghiệp quy mô vừa. Hầu hết những đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng một số hệ thống tự động, giám sát tưới tiêu tự động. Người dùng sẽ cài đặt chế độ độ ẩm tương ứng, hệ thống sẽ tự bơm nước theo yêu cầu. Tất cả quá trình phát triển của cây, sản xuất, nhân sự, tài chính, vật tư… đều được giám sát chặt chẽ thông qua tài khoản và phần mềm. Người nông dân có thể kiểm tra được toàn bộ diện tích canh tác và thiết lập được từ xa. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng IoT như vậy chỉ là một phần nhỏ trong canh tác và chưa đủ. Một bức tranh toàn cảnh cần có năm yếu tố: đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Một trong năm yếu tố bị trục trặc, dù các yếu tố còn lại phát triển tốt cũng có thể dẫn đến toàn bộ hoạt động bị ảnh hưởng.
Theo giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Xây dựng) Phan Thái Trung, có nhiều cách ứng dụng hiệu quả IoT trong nông nghiệp, thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bình dân vào các nông hộ, tập hợp thành một hợp tác xã kiểu mới, trong đó hoạt động nông nghiệp được "số hóa". Một hợp tác xã nông nghiệp số sẽ tư vấn quy trình sản xuất sạch, hữu cơ; đồng hành cùng các đơn vị phát triển thương hiệu, tăng giá trị hàng hóa; truy xuất được nguồn gốc, quản lý canh tác, nhật ký điện tử; đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển thị trường…, qua đó tạo thành một chuỗi giá trị khép kín thì nông nghiệp công nghệ cao mới thật sự được ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đưa công nghệ cao vào hoạt động sản xuất lại gặp một số vướng mắc, khi tại Việt Nam mới chỉ có vài đơn vị cung cấp giải pháp IoT và ít có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho công nghệ. Do đó các nhà cung cấp không thể sản xuất thiết bị theo hướng đại trà mà chỉ ở hình thức đặt hàng, khiến chi phí đầu tư sẽ rất cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ cao thông qua hình thức miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và hàng hóa phục vụ quá trình đầu tư, thuế sử dụng đất, thuế vận chuyển… ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án.
Các dự án của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này thường có lượng phụ tùng phải thay thế hằng năm rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư, nhưng lại không được hưởng mức thuế ưu đãi theo dự án công nghệ cao. Do đó, các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành có liên quan cần tập trung nguồn lực, tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng vào hoạt động nông nghiệp, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận, phối hợp với các đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia; cơ chế khuyến khích hình thành mối liên hệ khép kín giữa doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học để các nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, phù hợp điều kiện của Việt Nam. Nhất là cần ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư, đưa công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. Có như vậy mới có thể xây dựng một chuỗi giá trị khép kín, đưa nông nghiệp Việt Nam dần "số hóa", tạo ra những sản phẩm sạch cho xã hội.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33134102-tang-hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

[Trờ về]

Tin khác
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động chuyển giao công nghệ (15/06)
Định hướng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Giai đoạn 2016 - 2020 TP. Hồ Chí Minh (19/05)
Công nghệ thu tinh dầu sả lần đầu ở Việt Nam của nhà khoa học 65 tuổi (19/05)
Nhiều ưu đãi cho tổ chức, cá nhân phát triển dự án điện mặt trời (19/05)
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Chính sách đổi mới công nghệ đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp (19/05)
Kết nối nhà khoa học trẻ khởi nghiệp Việt Nam với cộng đồng khởi nghiệp châu Á (18/05)
Nghiên cứu thành công vắc-xin phòng ho gà cho phụ nữ có thai (18/05)
Kỹ thuật gieo trồng cây mướp cho năng suất cao (18/05)
Nhà sáng chế chân đất (17/05)
TP HCM 'báo động' vì mã độc WannaCry (17/05)

Đối Tác